Nghĩa Trang Hàng Dương

Nghĩa Trang Hàng Dương

Du Lịch Côn Đảo - Nghĩa Trang Hàng Dương là nơi yên nghỉ của hàng ngàn người con ưu tú của dân tộc, đã đối mặt với kẻ thù giữa lao tù, xiềng xích của hệ thống Nhà Tù Côn Đảo, trong cuộc đấu trang vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Nơi đây là điểm đến mà Du Khách luôn muốn ghé thăm khi đến Du Lịch Côn Đảo.


“Núi Côn Lôn được pha bằng máu
Đất Côn Lôn năm, sáu lớp xương người
Mỗi bước chân che lấp một cuộc đời
Mỗi tảng đá là một trời đau khổ…
Nghĩa địa Hàng Dương vùi chôn bao số phận
Hết lớp này, lớp khác dập lên trên
Mặt phẳng lì không mô đất nhô lên
Không bia mộ và không tên, không tuổi…”

Nghĩa Trang Hàng Dương là nơi yên nghỉ của hàng ngàn người con ưu tú của dân tộc, đã đối mặt với kẻ thù giữa lao tù, xiềng xích của hệ thống Nhà Tù Côn Đảo, trong cuộc đấu trang vì độc lập, tự do của Tổ quốc. Điểm đến mà Du Khách luôn muốn ghé thăm khi đến Du Lịch Côn Đảo.

Nghĩa trang Hàng Dương ở Côn Đảo là một trong những nghĩa trang liệt sĩ lâu đời nhất ở nước ta. Năm 1992 nghĩa trang Hàng Dương được tôn tạo lại với quy mô như hiện nay. Nghĩa trang Hàng Dương rộng 190.000m2. Nghĩa trang đã quy tập 1.913 ngôi mộ chia làm 4 khu:
* Khu A: Gồm 688 ngôi mộ (trong đó có 7 mộ tập thể, 91 mộ có tên và 597 mộ khuyết danh). Đa số các phần mộ từ năm 1945 trở về trước.
* Khu B: Gồm 695 ngôi mộ (trong đó có 17 mộ tập thể, 276 mộ có tên và 419 mộ khuyết danh). Đa số các mộ phần từ năm 1945 đến 1960.
* Khu C: Gồm 373 ngôi mộ (trong đó có 1 mộ tập thể, 332 mộ có tên và 41 mộ khuyết danh). Đa số các phần mộ từ năm 1960 đến 1975.
* Khu D: Gồm 157 ngôi mộ (trong đó 14 mộ có tên và 143 mộ khuyết danh). Mộ khu D được quy tập các mộ từ Hòn Cau và Hàng Keo ở Côn Đảo về.

"Nhấp nhô lớp lớp mồ xanh
Khói hương là bóng mây lành chiều sa
Chim rừng hót vọng tình nhà
Lời ca chị Sáu mượt mà hàng dương"

Nếu một lần đến thăm Côn Đảo thì bạn sẽ nhận ra sự khác biệt giữa nghĩa trang Hàng Dương và các nghĩa trang lớn khác trên cả nước đó là: dù ngày hay đêm thì nghĩa trang Hàng Dương vẫn luôn đông khách viếng thăm các Liệt sỹ…. trong số đó đại đa số là đến viếng thăm phần mộ của nữ anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu – nữ tử tù đầu tiên và duy nhất ở Côn Đảo. Khí phách hiêng ngang của chị khiến kẻ thù cũng phải kính phục, kiêng nể và khi chị mất thì có rất nhiều giai thoai về sự linh thiêng của chị trong đó câu truyện về 3 tấm bia của chị là nổi bật hơn cả:  Nghe kể rằng khi chị hy sinh, bạn tù đã nhiều lần bí mật lập bia cho chị và cũng nhiều lần bị địch đập phá. Tất cả chúa đảo, cai ngục trước đó cho đến lính tham gia phá bia mộ chị Sáu đều bị chết bất đắc kỳ tử một cách rất bí ẩn. Sau đó một chúa đảo cùng vợ lập nên một tấm bia khác tạ tội với chị, trên bia có ghi dòng chữ Liệt nữ Võ Thị Sáu. Sau này khi tôn tạo, cán bộ quản trang dựng một tấm bia thứ ba ghi đúng ngày mất của chị và vẫn để ba tấm bia cùng tồn tại trên ngôi mộ người nữ anh hùng Đất Đỏ. Trước mộ của chị trồng cây lêkima được mang ra từ quê nhà.  Ở Côn Đảo, người dân tin rằng chị Sáu rất linh thiêng và viếng chị vào đêm rằm và nhất là vào lúc 12 giờ đêm, lời cầu nguyện sẽ càng linh ứng.

Những dòng người tấp nập, ngược xuôi thắp nhang lên từng nấm mộ và có cả những đôi nam nữ trên đảo khoác tay nhau đi dạo. Về đêm, những cụm đèn khắp nơi tỏa sáng và trước mỗi ngôi mộ đều có một ngọn đèn nhỏ như ánh nến, những nén nhang cháy đỏ làm cho nghĩa trang trở nên lung linh. Tiếng nhạc trầm trầm, dịu nhẹ phát ra từ những chiếc loa nhỏ đặt rải rác hòa cùng tiếng sóng đâu đó và tiếng gió vút qua những cành dương như một bản hòa tấu ru giấc ngủ ngàn đời của các anh hùng, liệt sĩ, những người con yêu nước nằm lại nơi này. Không có vẻ u uất thường thấy ở những nghĩa trang mà thay vào đó là một cảm giác ấm cúng trong lòng người đi viếng mộ.

Mỗi ngôi mộ ở nghĩa trang này không chỉ là một số phận bi hùng, một chứng tích tội ác của thực dân đế quốc mà còn âm vang những trang sử hào hùng của cuộc đấu trang trong tù, tỏa sáng chủ nghĩa nhân văn và chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam. Du lịch Côn Đảo, cùng ghé thăm nghĩa trang Hàng Dương để cùng tưởng nhớ về những người chiến sĩ cách mạng, về lịch sử đấu tranh của dân tộc Việt Nam.

★ Huyền thoại về cô gái anh hùng Võ Thị Sáu
Nói đến người con gái anh hùng Võ Thị Sáu của quê hương Đất Đỏ thì ai ai cũng biết. Khắp nước ta, nhiều thành phố, thị xã có đường Võ Thị Sáu, nhiều nơi có trường học mang tên Võ Thị Sáu. Nhiều người còn thuộc lòng lý lịch chị Sáu: Võ Thị Sáu tên thật là Nguyễn Thị Sáu, sinh năm 1933 tại thị trấn Đất Đỏ, huyện Long Đất, tỉnh Bà Rịa.

Năm 1947, khi mới 14 tuổi, chị Sáu trở thành chiến sĩ trinh sát của Đội Công an xung phong Đất Đỏ. Tết Canh Dần (1950), Võ Thị Sáu tình nguyện tìm diệt bọn ác ôn chuyên vào chợ Đất Đỏ quê chị để cướp bóc. Diệt được bọn ác ôn này, nhưng Sáu lại bị bọn ác ôn khác đuổi theo, bắt được.

Tháng 4-1950, Võ Thị Sáu bị giam ở khám Chí Hoà. Bọn Pháp mở phiên toà xử chị "án tử hình" khi chưa đủ tuổi thành niên. Pháp sợ dư luận phản đối, nên chúng đưa Võ Thị Sáu ra Côn Đảo để hành quyết. Bốn giờ sáng ngày 21-1-1952, tàu chở Võ Thị Sáu cùng với 40 tù chính trị và 3 tử tù nữa vượt biển ra Côn Đảo.

Ngày 23-1-1952, người tử tù nhỏ tuổi nhất ở Côn Đảo không cho kẻ thù bịt mắt, cất cao tiếng hát bài Tiến quân ca. Khi giặc nổ súng, Võ Thị Sáu thét lên: Đả đảo thực dân Pháp! Việt Nam độc lập muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm! Đó là 7 giờ sáng ngày 23-1-1952, Võ Thị Sáu chưa đầy hai mươi tuổi.

Nhà văn Phùng Quán viết về chị Sáu như sau: 
"Nghiêng mình Sáu hái bông hoa ven đường
Cài lên mái tóc rối tung 
Cất cao tiếng hát giữa vòng lưỡi lê…
Trên cành chim hót chim ơi
Ta làm cách mạng ta vui đến cùng"… 
Cúng với bài hát về chị Sáu: "Mùa hoa lêkima nở. Ở quê ta miền Đất Đỏ. Thôn xóm vẫn nhắc tên người anh hùng. Đã chết cho… mùa hoa lêkima nở… Chị Sáu đã hi sinh rồi. Giọng hát vẫn như còn vang dội. Vào trái tim của những người đang sống. Giục đi lên không bao giờ lui…".

Năm 1993, Võ Thị Sáu được Nhà nước truy tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Tại thị trấn Đất Đỏ đã dựng tượng Võ Thị Sáu cao 6m. Ở Côn Đảo, mộ chị Sáu ở khu B được xây lại đàng hoàng hơn, là ngôi mộ được nhiều người thăm viếng nhất. Huyện Côn Đảo cũng đã xây dựng Nhà tưởng niệm anh hùng liệt sĩ Võ Thị Sáu trong một khuôn viên rộng, kề bên núi và biển, quanh năm lộng gió.

Nhưng ra Côn Đảo, đến nghĩa trang Hàng Dương, bạn còn được nghe nhiều huyền thoại về chị Sáu. Những câu chuyện linh thiêng, bí ẩn, nhưng ẩn chứa một sự ngưỡng mộ, tôn thờ theo truyền thống Á Đông đối với những người anh hùng vì dân, vì nước đã được bất tử hóa như một vị thần. Những câu chuyện người dân Côn Đảo kể về chị Sáu không có trong sử sách, nhưng còn lưu truyền mãi như những truyền thuyết dân gian…

Hiện vẫn còn vài chục gia đình công chức, gác ngục thời ấy ở lại Côn Đảo, trong nhà họ đều có bàn thờ chị Sáu và coi chị như thần hộ mệnh! Ngày 23-1 hằng năm là ngày giỗ cô Sáu. Đây là ngày giỗ rất lớn ở Côn Đảo mà Nhà nước và nhân dân cùng tổ chức. Người dân ở mãi TP Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Cần Thơ, Đồng Tháp…, dù phải vượt biển vẫn ra Côn Đảo giỗ cô Sáu. Trong số họ có rất nhiều người trước đây là cai ngục ở các Nhà Tù Côn Đảo.

Nghe huyền thoại cô Sáu, cô gái anh hùng của Đất Việt: Võ Thị Sáu, dù hy sinh khi còn rất trẻ, nhưng ý chí & tinh thần dân tộc vẫn sống mãi với nhân dân, với hồn thiêng sông núi.

Đặt chương trình tour
 
Tên và tên:
Số điện thoại:
Đặt tour:
Yêu cầu tour:
 
 




Viết đánh giá

Đánh giá

 
 
 
Design and Develop by : LE DINH THANG Email: DinhThang90@Gmail.com

PageView: Online:

Phòng Nội Địa

Phòng quốc tế

Vé Máy Bay

1
CHAT FACEBOOK